Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Doanh nghiệp dệt may Tp.HCM thiếu đơn hàng

6 tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn chỉ đạt 50-60% đơn hàng, rất ít doanh nghiệp có đơn hàng cho quý IV.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xu hướng chuẩn bị cho TPP được đẩy mạnh nên đơn hàng tương đối ổn định, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bước sang quý III năm nay, các doanh nghiệp trong ngành chỉ mới tìm được 50% đơn hàng, rất ít doanh nghiệp có đơn hàng cho quý IV.

“Nếu so với năm ngoái, 50-60% doanh nghiệp đạt 80-90 % kế hoạch năm thì năm nay chỉ bằng một nửa”, ông Hồng cho hay. Riêng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng đơn hàng trong 6 tháng cuối năm cũng mới chỉ đạt 50-60%.



Lý giải nguyên nhân thiếu hụt đơn hàng, vị này cho biết do chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với Campuchia, Bangladesh, Myanmar nên một số đối tác đã chuyển đơn hàng có giá trị thấp sang các nước nói trên. Riêng những đơn hàng có giá trị cao thì vẫn còn được chọn sản xuất tại Việt Nam, nhưng lợi nhuận không đáng kể do chi phí đầu vào tăng.

Ngoài ra, nhu cầu đặt hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU và Nhật không có sự tăng trưởng đột biến, khiến khả năng tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn đáng kể.

Một công ty có thị phần lớn trong ngành cũng cho biết, số lượng đơn hàng 6 tháng cuối năm giảm 30% so với năm ngoái, mạnh nhất từ thị trường châu Âu. Lợi nhuận thu về những tháng gần đây chỉ đủ chi phí đầu tư cũng như lương nhân viên. Việc chậm tiến độ trong trong đàm phán TPP cũng khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài giảm ký hợp đồng đơn hàng.

Bà Phạm Xuân Trang, Giám đốc Công ty TNHH Đại Tây Dương cho hay, mặc dù có quy mô hoạt động không lớn nhưng do chuyển mùa nên đơn hàng cho quý III và IV không nhiều, có giảm đôi chút so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này, toàn bộ công nhân tại nhà máy cũng không phải tăng ca để sản xuất. Do vậy, lợi nhuận của quý này cũng giảm mạnh so với 2013.

Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn với tình trạng đơn hàng giảm sút chỉ có số ít doanh nghiệp gặt hái được nhiều đơn hàng lớn, nhưng vẫn đứng trước nỗi lo lợi nhuận có thể sụt giảm vì chi phí đầu vào cao.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HÐQT Garmex Sài Gòn lại cho biết, 6 tháng đầu năm, số lượng đơn hàng của công ty tăng 20% so với cùng kỳ. Hiện nay công ty đã ký nhiều đơn hàng với đối tác đến tận tháng 5/2015. Nhiều công nhân thời điểm này buộc phải tăng ca để kịp tiến độ của đơn hàng.

“Vì là doanh nghiệp chuyên sản xuất áo khoác và quần áo thể thao nên việc tìm đơn hàng tương đối dễ dàng. Năm nay đơn hàng của công ty tương đối dồi dào.  Chúng tôi phải tận dụng hết năng lực mới tiêu hóa hết được”, ông Hùng cho hay.

Ông cũng cho biết thêm, hiện Mỹ và châu Âu là 2 thị trường chủ đạo mang lại nhiều đơn hàng nhất cho công ty, chiếm tới 80%. 20% còn lại nằm ở các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Năm nay Garmex Sài Gòn có thể đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu. Như vậy, so với năm ngoái doanh thu có thể tăng 10%. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao có thể sẽ khiến lợi nhuận công ty sụt giảm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét